024.6269.4539
Hỗ trợ trực tuyến
0975 656 180
Ms Nguyên - 0975 656 180
Ms Thanh - 0915064385
Mr Đức Anh - 024 62694539
Ms Ngọc - 0961626831
Tin tức du lịch

Tìm hiểu về Đạo Mẫu và tín ngưỡng Hầu Đồng

Trong cuộc sống hiện tại xã hội Việt Nam tồn tại rất nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau, nhưng có thể nói thờ Mẫu là một tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa đích thực, mặc dù trong quá trình phát triển, nó đã thu nhận không ít những ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo và thậm chí cả Nho giáo. Mặc dù xã hội hiện tại đã phát triển với nhiều bước tiến khoa học hiện đại nhưng Đạo mẫu ngày càng phát triển và có vị trí quan trọng trong xã hội bởi nó không những phát triển và cũng là một tín ngưỡng phổ biến tồn tại song song với các tôn giáo lớn khác như đạo phật, bởi thế trong rất nhiều ngôi Đình, Đền Chùa của người Việt có sự kết hợp giữa thờ Phật và thờ Mẫu. Trong xã hội cũng có những quan niệm cho rằng đạo Mẫu gắn liền với mê tín dị đoan với những quan niệm sai lầm do sự thiếu hiểu biết và những động cơ không lành mạnh đã gây nên những vấn nạn xấu ảnh hưởng đến đạo Mẫu.
Ngày nay nhiều nhà nghiên cứ đã kêu gọi người dân chấn chỉnh lại đạo Mẫu tránh tình trạng Buôn thần – Bán thánh, lợi dụng tín ngưỡng phong tục để mưu lợi bất chính để trả lại nét đẹp thuần phong mỹ tục vốn có của đạo Mẫu, để đây đạo Mẫu tồn tại như một nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Theo các tài liệu đã thống kê được ở Việt Nam có hơn 75 vị Thần nữ tiêu biểu, trong đó có ba vị Nữ thần tồn tại trong truyền thuyết như ba chị em, con của Thượng đế giáng trần được phân công cai quản ba miền: Miền Bắc với sự nổi trội của Chúa Tiên (Thánh Mẫu Liễu Hạnh – Vân Cát Thần nữ), miền Trung với Thiên Y A NA Diễn Phi Chúa Ngọc (Tiếp biến của Nữ thần Ponagar – Người Mẹ đất nước – Mẹ xứ sở dân tộc Chăm) và miền Nam với Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen hay còn gọi là Bà Thâm, Bà Đanh, Đênh) tất cả đang cư ngụ trong lòng tin của tín đồ thờ Mẫu hiện nay ở Việt Nam.
Trải qua chiều dài lịch sử lâu đời ở nước ta, tín ngưỡng thờ Mẫu đã phát triển có Tam Phủ, Tứ Phủ: Mẫu Thượng Thiên (còn gọi là Mẫu Đệ Nhất) cai quản miền trời và làm chủ mây mưa, sấm chớp; trong điện thờ thường đặt ở giữa, mặc áo màu đỏ hoặc hồng. Mẫu Thượng Ngàn (còn gọi là Mẫu Đệ Nhị) cai quản miền rừng núi, cây cối; trong điện thờ thường đặt ở bên trái Mẫu Thượng Thiên, mặc áo màu xanh. Mẫu Thoải (còn gọi là Mẫu Thuỷ gọi chệch là Mẫu Thoại – Mẫu Đệ Tam) cai quản miền sông nước; trong điện thờ thường đặt ở bên phải Mẫu Thượng Thiên, mặc áo màu trắng.
Nơi thờ Tam toà Thánh Mẫu – chúa tể Tam Phủ là Thiên phủ, Địa phủ, Thuỷ phủ gọi là Tam phủ. Vì Tam phủ thờ cả Ngọc Hoàng Thượng đế, Nam Tào – Bắc Đẩu, Ngũ vị quan lớn, Tứ vị chầu bà … vv, nên thường được gọi là Tam phủ cộng đồng hay Tứ phủ vạn linh; Phủ thứ tư là để thờ các vị thần linh khác.
Nhắc đến đạo Mẫu thì Hầu Đồng là một phong tục không thể tách rời trong tín ngưỡng này, ở đâu có Thờ mẫu thì ở đó tồn tại Hầu Đồng, đây là một hình thức diễn xướng lại các sự tích của các vị thần, để ca ngợi công lao, bày tỏ tấm lòng thành kính đối với các vị thần chính vì vậy nó mang sắc thái tôn nghiêm là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc, dụng cụ, trang phục, nghệ thuật diễn xướng và tấm lòng tôn kính với thần linh. Trong các dịp lễ hội tại đền, am, phủ thường hay diễn ra loại hình này, tuy tồn tại trong tín ngưỡng của người dân nhưng về cấu trúc tổ chức thì Hầu Đồng lại khá chặt chẽ, đòi hỏi những người theo Đạo Mẫu phải thành thạo, mang tính chuyên nghiệp cao.
Về diễn xướng, tất cả những ai nếu có căn đồng đều có thể nhập đồng và biểu diễn các giá đồng, gồm 36 giá, mỗi giá đồng thể hiện một nhân vật cụ thể, với tên tuổi và tính cách khác nhau: giá bà chúa Bắc Lệ phải khác với Mười Đồng Mỏ; giá các đức ông thì phải oai phong, lẫm liệt, múa kiếm, bắn cung; giá các cô bé thì phải điệu đàng, duyên dáng; giá các cậu thì nhí nhảnh, nghịch ngợm... Trong khi hầu đồng, người được nhập đồng múa các điệu theo tính cách của từng giá đồng, còn ở dưới Cung văn tấu lên theo làn điệu chầu văn, lời ca mô tả nhân vật của giá đồng, tả quang cảnh nhân vật xuất hiện, kể sự tích và công đức của các Thánh. Nghi lễ hát lên đồng được chia ra các phần: Mời Thánh nhập; kể sự tích, công đức; xin Thánh phù hộ và đưa tiễn. Do đó, cuối mỗi giá đồng, cung văn đều tấu câu “Xe loan Thánh giá hồi cung”. Ban nhạc chầu văn thường có các nhạc cụ: đàn nguyệt, trống ban (trống con), nhị, sáo, phách, thanh la... Đặc biệt, giai điệu và tiếng hát chầu văn lảnh lót mê đắm lòng người, toàn bộ phần diễn xướng khiến người xem như lạc vào thế giới siêu nhiên của các vị Thánh.
Xét về tổng quan thì Đạo mẫu chính là nét đẹp văn hóa mang đặc trưng của dân tộc cần được bảo tồn và phát triển, nếu được giữ gìn và quản lý phát triển đúng cách thì nó là một nét đẹp, một điểm nhấn trong Văn hóa của dân tộc.

CÔNG TY TNHH DU LỊCH DỊCH VỤ VÀNG - GSV TRAVEL

Trụ sở: Số 19, đường Trung Yên 14, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

VPGD: P712, Chung cư Thăng Long City Đại Mỗ, Phường Đại Mỗ, Từ Liêm, HN

Điện thoại: 024. 62755288 - 024.6269.4539

Hotline: 0975 656 180 (Hỗ trợ 24/7)

Email: nguyen.lt@gsv.com.vn - Website: www.gsv.com.vn

Giấy phép kinh doanh số: 0106873727